Thứ trưởng Ngô Thị Minh tiếp nhận tài trợ chương trình "Máy tính cho em"
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục. Gần 2 năm qua, hàng triệu học sinh, sinh viên đã nhiều lần phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của nhiều gia đình học sinh khó khăn, dẫn tới học sinh thiếu phương tiện học tập trực tuyến thiết yếu.
Tổng hợp của Cục cơ sở vật chất về nhu cầu ủng hộ máy tính của các địa phương từ 56/63 tỉnh/thành phố cho thấy: Số học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ là 2.215.863 học sinh, trong đó: hộ nghèo là 570.051 học sinh; cận nghèo: 467.314 học sinh; đối tượng khó khăn khác: 1.178.498 học sinh.
Tại 36 tỉnh, thành phố đang triển khai dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ thuộc Chương trình là 1.248.465 học sinh. Trong đó bao gồm 296.978 học sinh thuộc hộ nghèo, 274.111 học sinh thuộc hộ cận nghèo, 1.500 học sinh có cha mẹ mất vì Covid và 675.876 học sinh thuộc đối tượng khó khăn khác.
Ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động Chương trình “Sóng và Máy tính cho em” trên toàn quốc. Trước đó, ngày 10/9, Bộ GDĐT và Công đoàn GDVN phát động Chương trình quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành giáo dục và đào tạo ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến, trước mắt ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Sau 1 tháng triển khai Chương trình “Máy tính cho em” trên toàn quốc, chương trình được nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn xã hội. Theo thống kê đến ngày 15/10 có 54/63 Sở GDĐT, Công đoàn Giáo dục tỉnh, thành phố đã triển khai chương trình và huy động được: 43 tỷ 605 triệu đồng, do cán bộ nhà giáo, người lao động tham gia ủng hộ; 57 tỷ 405 đồng, huy động được từ các nguồn hỗ trợ khác; 12.550 máy tính và máy tính bảng; 16.234 điện thoại thông minh và 74.559 thiết bị hỗ trợ học tập khác.
Các đại học, các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các đơn vị trực thuộc ngành, đóng góp về tài khoản Công đoàn Giáo dục Việt Nam: 7 tỷ 238 triệu 432 ngàn 846 đồng. Hiện nay, chương trình vẫn đang triển khai ở các tỉnh/thành phố, các trường đại học trên cả nước.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Ngô Thị Minh gửi lời cảm ơn và ghi nhận những đóng góp to lớn của địa phương cũng như các đơn vị tham gia chương trình. Thứ trưởng đồng thời nhấn mạnh trọng trách của Bộ GDĐT trong việc kêu gọi, vận động các cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, các thầy cô cùng các tổ chức, đơn vị chung tay ủng hộ cho chương trình. Trong bối cảnh dịch bệnh các thầy cô cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng vượt qua khó khăn toàn ngành đã cùng chung tay, tích cực đóng góp và ủng hộ cho chương trình.
Thứ trưởng khẳng định tầm quan trọng của Ban tiếp nhận, điều phối chương trình và đề nghị Ban tiếp nhận, điều phối có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và nhà phân phối để mua được thiết bị đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, cần tiếp tục khảo sát các đối tượng học sinh, sinh viên, tuyên truyền về chương trình cho vay không lãi suất của Chính phủ để có thêm nhiều em học sinh có điều kiện mua được thiết bị học trực tuyến.
Trong khuôn khổ chương trình, Bộ GDĐT đã công bố Quyết định về việc thành lập Ban Tiếp nhận, điều phối tiền, máy tính của Chương trình “Sóng và máy tính cho em” gồm 20 thành viên là lãnh đạo các Cục,Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ. Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh làm Trưởng ban.